Bài 15. Đời sống của người Việt thời kì Văn Lang, Âu Lạc

Cách nay gần 3000 năm, cha ông ta đã làm nhà, xây làng, dựng nước, chống giặc ngoại xâm, để lại cho chúng ta một giang sơn gấm vóc, một nền văn hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên và lối sống của dân tộc.

I. ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT

- Cư dân Văn lang, Âu Lạc chủ yếu sống bằng nghề nông trồng lúa nước, họ dùng lưỡi cày, lưỡi hái, cuốc, rìu… bằng đồng làm công cụ sản xuất, cùng các đồ dùng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt như thạp đồng, thau, chậu, bình gốm. Ngoài ra, họ còn biết trồng dâu nuôi tăm, trồng hoa màu, chăn nuôi, đánh bắt cá…

- Các nghề thủ công như làm đồ gốm, dệt vải, làm nhà, đóng thuyền phát triển. Nghề luyện kim phát triển cao, nhiều người chỉ chuyên làm nghề đúc đồng, rèn sắt. Những hoa văn tinh xảo trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh là minh chứng cho trình độ kĩ thuật và mĩ thuật của người thợ thủ công Văn Lang, Âu Lạc.

+ Trống đồng được tìm thấy ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, minh chứng cho nền văn minh của người Việt cổ. Một trong những chiếc trống có hoa văn phong phú nhất là trống đồng Ngọc Lũ, được phát hiện năm 1893 ở xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

+ Trống đồng Ngọc Lũ hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Phiên bản của nó được đặt ở vị trí trang trọng ngay cửa chính trụ sở Hội đồng Bảo an liên hợp quốc (Niu-oóc, Mỹ).

- Thức ăn chính là cơm nếp, cơm tẻ, ăn cùng với rau, cua, tôm, cá, ốc… Ngày lễ, ngày tết có thêm bánh chưng, bánh giầy. Cư dân Văn Lang, Âu Lạc đã biết làm mắm cá, làm muối, dùng gia vị, biết sử dụng mâm, bát, muôi… có trang trí hoa văn đẹp.

- Cư dân đi lại chủ yếu bằng thuyền, ở nhà sàn. Họ thường làm nhà ở những vùng đất cao ven sông, ven biển hoặc trên sườn đồi để tránh thú dữ. Nhà có mái cong hình thuyền hoặc mái tròn hình mui thuyền.

- Ngày thường, nam đóng khố, mình trần, đi chân đất; nữ mặc váy, áo xẻ giữa, có yếm che ngực, họ cắt tóc ngắn rồi để xõa, búi tó hoặc tết đuôi sam. Khi có lễ hội, họ đội mũ cắm lông chim, nữ mặc áo và váy xòe, đeo trang sức, nam mặc khố dài.

II. ĐỜI SỐNG TINH THẦN

- Cư dân Văn Lang, Âu Lạc có tục thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thần trong tự nhiên như thần Sông, thần Núi, thần Mặt Trời… Người chết được chôn cất trong thạp, bình, mộ thuyền, mộ cây. Mộ của người giàu có thường chôn theo những công cụ và đồ trang sức quý giá.

- Họ có khiếu thẩm mĩ riêng như nhuộm răng đen, xăm mình. Họ xăm mình không chỉ để tránh bị thủy quái làm hại mà còn là một cách làm đẹp; phong tục này duy trì cho đến thế kỉ XIII – XIV.

- Đời sống tinh thần của cư dân Văn lang, Âu Lạc giản dị, chất phác, hòa hợp với tự nhiên. Trong những ngày lễ hội, họ thường tổ chức vui chơi, đấu vật, đua thuyền, nhảy múa, ca hát bên tiếng khèn, sáo, trống, chiêng…

LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG

Luyện tập

1. Thời Văn Lang, Âu Lạc, người Việt có những phong tục gì nổi bật?

Những phong tục nổi bật của người Việt thời Văn lang, Âu Lạc là nhuộm răng đen, xăm mình, thờ cúng tổ tiên, chôn cất, tổ chức lễ hội vui chơi...

2. Trong bảng (SGK) là những công cụ lao động thuộc thời kì văn hóa Đông Sơn. Những công cụ đó được dùng làm gì trong hoạt động sản xuất của cư dân Văn lang, Âu Lạc?


 Công cụ Lưỡi cuốc Liềm Rìu
 Tên hoạt động xới đất cắt lúa, cắt cỏ chặt cây

Vận dụng

3. Những phong tục nào trong văn hóa Việt Nam hiện nay được kế thừa từ thời Văn Lang, Âu Lạc?

Những phong tục hiện nay được kế thừa từ thời Văn Lang, Âu Lạc gồm: thờ cúng tổ tiên, các vị thần, tổ chức lễ hội vui chơi, đấu vật, nhảy múa, ca hát bên khèn, sáo, trống chiêng... gói bánh chưng ngày tết.

5. Kể một truyền thuyết gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc.

Ví dụ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên (Sự tích Trăm trứng nở trăm con).