Bài 14. Tinh thể nguyên tử và tinh thể phân tử
I. TINH THỂ NGUYÊN TỬ
1. Tinh thể nguyên tử
- Tinh thể nguyên tử cấu tạo từ những nguyên tử được sắp xếp một cách đều đặn theo trật tự nhất định trong không gian tạo thành mạng tinh thể nguyên tử.
- Các nguyên tử liên kết với nhau bằng liên kết cộng hóa trị.
- Thí dụ tinh thể kim cương: mỗi nguyên tử cacbon liên kết với 4 nguyên tử cacbon khác bằng 4 liên kết cộng hóa trị.
2. Tính chất chung của tinh thể nguyên tử
- Lực liên kết cộng hóa trị trong cấu trúc mạng tinh thể nguyên tử lớn nên tinh thể nguyên tử thường bền vững, rất cứng, khó nóng chảy, khó sôi…
- Kim cương có độ cứng lớn nhất so với các tinh thể đã biết nên được quy ước có độ cứng là $10$ đơn vị để đo độ cứng các chất khác.
II. TINH THỂ PHÂN TỬ
1. Tinh thể phân tử
- Tinh thể phân tử cấu tạo từ những phân tử được sắp xếp một cách đều đặn theo trật tự nhất định trong không gian tạo thành mạng tinh thể phân tử.
- Ở các điểm nút của mạng tinh thể là những phân tử liên kết với nhau bằng lực tương tác yếu giữa các phân tử.
- Phần lớn các chất hữu cơ, các đơn chất phi kim ở nhiệt độ thấp đều kết tinh thành mạng tinh thể phân tử (phân tử có thể gồm một nguyên tử như các khí hiếm, hoặc nhiều nguyên tử như halogen, $O_2$, $N_2$, $H_2$, $H_2O$, $H_2S$, $CO_2$...).
- Thí dụ tinh thể phân tử $I_2$:
2. Tính chất chung của tinh thể phân tử
- Trong mạng tinh thể phân tử, các phân tử liên kết với nhau bằng lực tương tác yếu nên tinh thể phân tử dễ nóng chảy, dễ bay hơi.
- Các tinh thể phân tử không phân cực dễ bị hòa tan trong các dung môi không phân cực như xăng, benzen, toluen…