Bài 14: Phản xạ âm - tiếng vang
I. ÂM PHẢN XẠ – TIẾNG VANG
- Âm thanh khi truyền đi nếu gặp vật chắn có bề mặt cứng, nhẵn thì âm bị dội ngược trở lại, âm đó là âm phản xạ hay gọi là tiếng vang.
Ví dụ: Khi đứng ở trong hang động, nếu nói to thì một lúc sau ta sẽ nghe được tiếng nói của chính mình vọng lại.
- Thời gian kể từ khi âm phát ra đến khi nhận được tiếng vang phải lớn hơn 1/15 giây thì ta mới có thể nghe rõ được tiếng vang.
$\bullet \,\,$ Ghi nhớ:
- Âm phản xạ là âm dội lại khi gặp một mặt chắn.
- Tiếng vang là âm phản xạ nghe được cách âm trực tiếp ít nhất $\frac {1}{15}$ giây.
- Âm gặp mặt chắn đều bị phản xạ nhiều hay ít.
II. VẬT PHẢN XẠ ÂM TỐT VÀ VẬT PHẢN XẠ ÂM KÉM
- Vật phản xạ âm tốt là những vật có bề mặt cứng, nhẵn. Những vật phản xạ âm tốt gọi là những vật hấp thụ âm kém.
- Vật phản xạ âm kém là những vật có bề mặt mềm, xù xì hay gồ ghề. Những vật phản xạ âm kém gọi là những vật hấp thụ âm tốt.
$\bullet \,\,$ Các cách làm mất đi sự ảnh hưởng của phản xạ âm:
- Cách 1: Làm mất âm phản xạ bằng cách dùng vật liệu hấp thụ âm.
- Cách 2: Hướng âm phản xạ đi nơi khác bằng cách làm các bề mặt nghiêng.
- Cách 3: Bố trí sao cho âm phản xạ đến trước $\frac {1}{15}$ giây.
$\bullet \,\,$ Ứng dụng:
+ Trong các phòng thu, người ta thường làm tường sần và treo rèm nhung để giảm tiếng vang.
+ Người ta sử dụng sự phản xạ của siêu âm để xác định độ sâu của biển.
III. VẬN DỤNG
C5
Trong nhiều phòng hòa nhạc, phòng chiếu bóng, phòng ghi âm, người ta thường làm tường sần sùi và treo rèm nhung để làm giảm tiếng vang. Hãy giải thích tại sao?
Trả lời:
- Tường sần sùi và rèm nhung là những vật phản xạ âm kém nên làm giảm hoặc mất đi tiếng vang giúp âm trong các phòng đó được rõ.
C6
Khi muốn nghe rõ hơn, người ta thường đặt bàn tay khum lại, sát vào vành tai, đồng thời hướng tai về phía nguồn âm. Hãy giải thích tại sao?
Trả lời:
- Bàn tay khum lại, sát vào vành tai, đồng thời hướng tai về phía nguồn âm để hướng âm phản xạ từ tay đến tai giúp ta nghe được âm to và rõ hơn.
C7
Người ta thường sử dụng sự phản xạ của siêu âm để xác định độ sâu của biển.
Giả sử tàu phát ra siêu âm và thu được âm phản xạ của nó từ đáy biển sau 1 giây. Tính gần đúng độ sâu của đáy biển, biết vận tốc truyền siêu âm trong nước là $1500\,m/s?$
Trả lời:
Tàu phát ra siêu âm và thu được âm phản xạ của nó từ đáy biển sau $1$ giây.
Ta có quãng đường âm phát ra đến đáy biển $\Longrightarrow$ phản xạ trở lại tàu chính bằng $2$ lần độ sâu của biển.
Gọi $d$ là độ sâu của biển $\Longrightarrow$ quãng đường âm truyền đi là $S = 2.d$
Mặt khác, ta có: $S=v.t=2.d$
Hay
$1500.1 = 2.d$
$d = \frac {1500}{2} = 750\,(m)$
Vậy độ sâu của biển là $d = 750\,m.$
C8
Hiện tượng phản xạ âm được ứng dụng trong những trường hợp nào dưới đây?
a) Trồng cây xung quanh bệnh viện.
b) Xác định độ sâu của biển.
c) Làm đồ chơi “điện thoại dây”.
d) Làm tường phủ dạ, nhung.
Trả lời:
- Người ta thường sử dụng sự phản xạ của siêu âm để xác định độ sâu của biển.
- Trường hợp a, d là dùng để khử sự phản xạ âm hoặc thay đổi hướng âm truyền chứ không có ứng dụng gì sử dụng trực tiếp âm phản xạ. Trường hợp c không liên quan đến phản xạ âm.
$\Longrightarrow$ Đáp án: Chọn b.