Bài 14. Nhà nước Văn Lang, Âu lạc

Truyền thuyết xưa kể rằng, Lạc long Quân thuộc dòng dõi Rồng kết hôn với Âu Cơ thuộc dòng dõi tiên, sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Sau đó, năm mươi con theo mẹ lên núi, năm mươi con theo cha xuống biển. Người con cả được suy tôn làm vua, hiệu là Hùng Vương.

Nước Văn Lang bắt đầu từ thở đó.

I. NHÀ NƯỚC VĂN LANG

1. Sự ra đời nhà nước Văn Lang.

- Từ khoảng 2000 năm TCN, những nhóm cư dân Việt cổ đã bắt đầu mở rộng địa bàn cư trú, di cư từ vùng núi, trung du xuống đồng bằng châu thổ các dòng sông lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, sau là vùng cư trú chủ yếu của cư dân nước Văn Lang, Âu Lạc.

- Những bộ lạc lớn dần hình thành, gần gũi nhau về tiếng nói và hoạt động sản xuất. Bộ lạc mạnh nhất là Văn Lang, cư trú trên vùng đất ven sông Hồng từ Việt Trì (Phú Thọ) đến chân núi Ba Vì (Hà Nội) ngày nay. Đây là nơi có nghề đúc đồng phát triển sớm, dân cư đông đúc, sống ven những bãi sa bồi, trồng lúa, trồng dâu.

- Nhu cầu trị thủy, đối phó với lũ lụt, bảo vệ mùa màng đã thúc đẩy sự liên kết giữa các bộ lạc. Thế kỉ VII TCN, thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang đã thu phục các bộ lạc khác, tự xưng là Hùng Vương, thành lập nhà nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ).

- Sự ra đời của nhà nước Văn Lang mở ra thời kì dựng nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

2. Tổ chức nhà nước Văn Lang.

- Đứng đầu nhà nước là Hùng Vương, giúp việc có các Lạc hầu. Ông chia nước thành 15 bộ, đóng đô ở Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ). Đứng đầu các bộ là các Lạc tướng. Dưới bộ là chiềng, chạ, đứng đầu chiềng, chạ là Bồ chính.

- Nhà nước Văn Lang chưa có luật pháp và quân đội. Khi có chiến tranh, nhà nước huy động thanh niên trai tráng ở các chiềng, chạ tập hợp lại cùng chiến đấu.

II. NHÀ NƯỚC ÂU LẠC

- Năm 214 TCN, quân Tần ở phương Bắc đánh xuống vùng đất sinh sống của các bộ tộc Việt. Người Lạc Việt và người Âu Việt dũng cảm chiến đấu chống quân Tần dưới sự lãnh đạo của Thục Phán. Năm 208 TCN, tướng giặc là Đồ Thư bị giết, quân Tần gặp nhiều khó khăn phải rút về nước.

- Sau kháng chiến chống Tần, Thục Phán xưng là An Dương Vương. Ông đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô về Phong Khê (nay là Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội). Tổ chức bộ máy nhà nước thời Âu Lạc không thay đổi nhiều nhưng chặt chẽ hơn so với thời Văn Lang. Vua có quyền thế hơn trong việc trị nước, có quân đội, vũ khí tốt. Lãnh thổ cũng mở rộng hơn thời kì Văn Lang và được chia thành nhiều bộ.

- An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa để phòng vệ. Thành Cổ Loa trở thành trung tâm của nước Âu Lạc và là phòng tuyến bảo vệ vững chắc.

+ Thành Cổ Loa đắp bằng đất gồm ba vòng khép kín, chu vi khoảng 16.000m, cao từ 5m đến 10m. Mặt ngoài dốc thẳng đứng, mặt trong dốc thoai thoải để đánh vào thì khó, đánh ra thì dễ. Cả ba vòng thành đều có hào nước bao quanh, nối liền với nhau và nối thông với sông Hồng nên lúc nào cũng đảm bảo nước ngập.

+ Thành nội có hình chữ nhật, ngày nay vẫn con di tích nơi vua thiết triều. Với hệ thống hào – sông, thành và lũy kết hợp chặt chẽ, thành Cổ Loa là một phòng tuyến bảo vệ kiên cố không thể đánh từ ngoài vào.

- Đầu thế kỉ II TCN, Âu Lạc nhiều lần bị quân của Triệu Đà – vua nước Nam Việt (thuộc Trung Quốc) tấn công. Năm 179 TCN, Âu Lạc bị sáp nhập vào Nam Việt.

LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG

Luyện tập

1. Thống kê các nội dung về nhà nước Văn Lang và Âu Lạc theo bảng sau:

Nội dung Nước Văn Lang Nước Âu Lạc
 Thời gian ra đời Vào khoảng thế kỉ VII TCN Sau khi giành thắng lợi trước quân Tần, năm 208 TCN
 Đứng đầu nhà nước Hùng Vương An Dương Vương
 Kinh đô Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ) Phong Khê (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội)
2. Mốc thời gian gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng của thời kì Văn Lang, Âu Lạc.

- Thế kỉ VII TCN, thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang đã thu phục các bộ lạc khác, lập ra nhà nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ).

- Năm 214 TCN, quân Tần ở phương Bắc đánh xuống vùng đất sinh sống của các bộ tộc Việt.

- Năm 208 TCN, tướng giặc là Đồ Thư bị giết, quân Tần gặp nhiều khó khăn phải rút về nước.

- Năm 179 TCN, Âu Lạc bị sáp nhập vào Nam Việt.

- Năm 1 TCN, bắt đầu thời kì Bắc thuộc kéo dài trong 1000 năm.

Vận dụng

3. Từ truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên" em hiểu thế nào về hai chữ "đồng bào" và truyền thống "tương thân tương ái" của người Việt?

- Đồng bào là cùng sinh ra từ một bào thai, chỉ những người con đất Việt, đều mang chung một dòng máu, đều có chung cội nguồn.

- "Tương thân tương ái" là mọi người yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.