Bài 14: Một số lương thực - thực phẩm

1. MỘT SỐ LƯƠNG THỰC PHỔ BIẾN

- Lương thực là thức ăn chứa hàm lượng lớn tinh bột, nguồn cung cấp chính về năng lượng và chất bột carbohydrate trong khẩu phần ăn.

- Lương thực cũng chứa nhiều dưỡng chất khác như protein (chất đạm), lipid (chất béo), calcium, phosphorus, sắt, các vitamin nhóm B (B1, B2,…) và các khoáng chất.

Ví dụ: lúa mì, lúa gạo, ngô, khoai, sắn, các loại hạt...

- Ngũ cốc là tên gọi chung của 5 loại lương thực là gạo nếp, gạo tẻ, vừng (mè), mì và các loại đậu.

- Dựa vào các tính chất và ứng dụng khác nhau của mỗi loại lương thực mà người ta chế biến thành nhiều sản phẩm ẩm thực có giá trị dinh dưỡng.

Ví dụ:

+ Gạo có tính dẻo, được nấu thành cơm, làm bột chế biến các loại bánh,... là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.

+ Khoai lang có vị ngọt và bùi, có thể luộc hoặc chế biến các loại bánh (bánh khoai), làm thức ăn cho gia súc, gia cầm,...

2. MỘT SỐ THỰC PHẨM PHỔ BIẾN

- Thực phẩm tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật (lương thực, rau xanh, trái cây); động vật (thịt, cá); các sản phẩm chế biến từ phương pháp lên men (rượu, bia, nước giải khát);…

- Thực phẩm (thức ăn) là sản phẩm chứa chất bột (carbohydrate), chất béo (lipid), chất đạm (protein) hoặc nước… mà con người có thể ăn hay uống được nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Ví dụ: thịt lợn, trứng, cá, rau, sữa bò,...

- Thực phẩm có thể bị biến đổi tính chất (màu sắc, mùi vị, giá trị dinh dưỡng,…) khi để lâu ngoài không khí, khi trộn lẫn các loại thực phẩm với nhau hoặc bảo quản thực phẩm không đúng cách.

Ví dụ:

+ Trái cây để lâu sẽ héo, mốc và chuyển màu sắc.

+ Rau xanh để lâu sẽ héo, thối rữa.

+ Thịt cá để lâu sẽ xuất hiện nấm mốc, có mùi ươn khó chịu.

+ Bánh mì để lâu sẽ xuất hiện mốc xanh.

- Một số cách bảo quản lương thực – thực phẩm để sử dụng an toàn: đông lạnh, hút chân không, hun khói, sấy khô, ướp muối, ngâm đường, muối chua,…