Bài 14: Giao thông vận tải
1. Các loại hình giao thông vận tải
- Nước ta có nhiều loại hình giao thông vận tải:
+ Đường ô tô (đường bộ);
+ Đường sắt;
+ Đường sông;
+ Đường biển;
+ Đường hàng không;
+ Đường ống.
- Loại hình vận tải bằng đường ô tô giữ vai trò quan trọng nhất: Vì ô tô có thể đi trên mọi địa hình, đến mọi địa điểm để giao nhận hàng nên nó chở được nhiều hàng hóa nhất. Đường thủy, đường biển đi được trên những tuyến nhất định, đường sắt chỉ đi được ở những nơi có đường ray.
- Tuy nước ta có nhiều loại đường và phương tiện giao thông nhưng chất lượng giao thông chưa cao, tai nạn giao thông và các sự cố giao thông thường xuyên xảy ra do chất lượng đường giao thông thấp, nhiều phương tiện giao thông cũ không đảm bảo an toàn, đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông kém.
- Nhà nước ta đã và đang xây dựng thêm nhiều tuyến đường hiện đại, nâng cao chất lượng vận chuyển để việc đi lại, chuyên chở hành khách và hàng hóa được tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền luật giao thông và giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông.
2. Phân bố một số loại hình giao thông
- Nước ta có mạng lưới đường giao thông tỏa đi khắp đất nước.
- Do lãnh thổ kéo dài theo chiều Bắc – Nam, nên các tuyến giao thông chính của nước ta cũng chạy theo chiều Bắc – Nam.
- Đường sắt Bắc – Nam và quốc lộ 1A là các tuyến đường sắt và đường ô tô (đường bộ) dài nhất của nước ta.
+ Đường sắt Bắc – Nam: dài 1.726 km từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh, đi qua một số thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh…
+ Quốc lộ 1A: chạy từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau) dài 2.360 km, đi qua một số thành phố như Lạng Sơn, Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh, Cà Mau…
- Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những đầu mối giao thông quan trọng.