Bài 14. Enzim và vai trò của enzim trong quá trình chuyển hóa vật chất
I. ENZIM
- Là chất xúc tác sinh học được tổng hợp trong tế bào sống. Enzim làm tăng tốc độ phản ứng mà không bị biến đổi sau phản ứng.
1. Cấu trúc
- Thành phần enzim có thể là prôtêin hoặc prôtêin kết hợp với chất khác.
- Enzim có vùng trung tâm hoạt động:
+ Là một chỗ lõm hoặc khe nhỏ trên bề mặt enzim để kết hợp với cơ chất.
+ Cấu hình không gian của enzim tương ứng với cấu hình của cơ chất.
2. Cơ chế tác động
- Enzim + Cơ chất $ \longrightarrow$ Enzim – cơ chất $ \longrightarrow$ Enzim tương tác với cơ chất để tạo thành sản phẩm và enzim được giải phóng.
$ \Longrightarrow$ Liên kết enzim – cơ chất mang tính đặc thù $ \longrightarrow$ Mỗi enzim chỉ xúc tác cho 1 phản ứng.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt tính của enzim
- Nhiệt độ: Mỗi enzim có một nhiệt độ tối ưu, tại đó enzim có hoạt tính tối đa làm cho tốc độ phản ứng xảy ra nhanh nhất.
- Độ pH: Mỗi enzim có một độ pH thích hợp (đa số pH = 6 – 8).
- Nồng độ cơ chất: Với một lượng enzim xác định, nếu tăng dần lượng cơ chất trong dung dịch thì lúc đầu hoạt tính của enzim tăng sau đó không tăng.
- Chất ức chế hoặc hoạt hóa enzim: Có thể làm tăng hoặc ức chế hoạt tính của enzim.
- Nồng độ enzim: Với một lượng cơ chất xác định, khi nồng độ enzim càng cao thì hoạt tính của enzim càng tăng.
II. VAI TRÒ CỦA ENZIM TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN HÓA VẬT CHẤT
- Enzim xúc tác phản ứng sinh hóa trong tế bào.
- Tế bào tự điều hòa quá trình chuyển hóa vật chất thông qua điều khiển hoạt tính của enzim bằng các chất hoạt hóa hay ức chế.
- Ức chế ngược là kiểu điều hòa trong đó sản phẩm của con đường chuyển hóa quay lại tác động như một chất ức chế làm bất hoạt enzim xúc tác cho phản ứng ở đầu con đường chuyển hóa.