Bài 13. Tổng kết lịch sử thế giới từ sau 1945 đến nay
Lịch sử sau chiến tranh thế giới thứ hai là một giai đoạn đã diễn ra với bao sự kiện to lớn, phức tạp và có những đảo lộn bất ngờ. Đặc điểm lớn của giai đoạn lịch sử này là thế giới chia làm hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa do Liên Xô và Mĩ đứng đầu. Mục tiêu phấn đấu của lực lượng xã hội chủ nghĩa và lực lượng cách mạng dân chủ tiến bộ là hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
I. Những nội dung chính của lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay
1. Chủ nghĩa xã hội từ phạm vi một nước đã trở thành một hệ thống thế giới, trong nhiều thập niên, các nước xã hội chủ nghĩa trở thành lực lượng hùng mạnh về chính trị, quân sự, kinh tế, có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thế giới. Tuy nhiên, do sai lầm về đường lối và sự chống phá của các thế lực đế quốc phản động nên hệ thống XHCN đã sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu.
2. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, Phi, Mỹ La-tinh đã giành thắng lợi lớn. Đó là sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa và chế độ A-pác-thai, là sự ra đời của hơn 100 quốc gia độc lập. Một số nước đạt thành tựu lớn về kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN.
3. Các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhanh chóng về kinh tế như Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức.
+ Mĩ là nước tư bản giàu mạnh nhất, ráo riết theo đuổi mưu đồ làm bá chủ thế giới, nhưng thất bại ở Việt Nam.
+ Các nước tư bản có xu hướng liên kết kinh tế khu vực như sự ra đời của EEC, EU. EU, Mĩ, Nhật Bản là 3 trung tâm kinh tế lớn của thế giới.
4. Quan hệ quốc tế:
- Sau năm 1945 là trật tự thế giới hai cực do Liên Xô và Mĩ đứng đầu, thế giới chia thành hai phe đối đầu căng thẳng, đỉnh cao là “Chiến tranh lạnh”.
- Do nhiều nguyên nhân, hai siêu cường tuyên bố chấm dứt “chiến tranh lạnh” vào năm 1989.
- Thế giới chuyển sang xu thế hòa hoãn và đối thoại.
5. Cách mạng khoa học - kỹ thuật tiến bộ phi thường, đạt nhiều thành tựu kỳ diệu, là nhân tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sống.
II. Các xu thế phát triển của thế giới ngày nay
- Giai đoạn lịch sử từ 1945 đến năm 1991: Thế giới chia thành hai phe TBCN và XHCN do 2 siêu cường Mĩ và Liên Xô đứng đầu, hai siêu cường này đối đầu nhau, căng thẳng và quyết liệt.
- Giai đoạn từ năm 1991 đến nay – thường được gọi là sau Chiến tranh lạnh:
+ Sự hình thành trật tự thế giới mới (đa cực nhiều trung tâm).
+ Các cường quốc điều chỉnh các mối quan hệ theo xu thế hòa hoãn, thỏa hiệp giữa các nước lớn.
+ Các nước điều chỉnh chiến lược trong đó lấy việc phát triển kinh tế làm trọng điểm.
- Sau Chiến tranh lạnh, nhiều khu vực xảy ra xung đột, nội chiến do mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ. Ở nhiều nước tình hình nghiêm trọng do chủ nghĩa khủng bố, li khai.
- Xu hướng chung ngày nay là hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với các dân tộc.