Bài 12: Thực hành: Nhận biết đặc điểm môi trường đới nóng

KIẾN THỨC

Các kiểu môi trường của đới nóng:

- Môi trường xích đạo ẩm: nắng nóng và mưa nhiều quanh năm, tạo điều kiện cho rừng rậm xanh quanh năm phát triển.

- Môi trường nhiệt đới:

+ Khí hậu nóng, lượng mưa tập trung vào 1 mùa.

+ Càng gần 2 chí tuyến, thời kì khô hạn càng kéo dài và biên độ nhiệt trong năm càng lớn.

+ Quang cảnh thay đổi từ rừng thưa sang đồng cỏ cao (xavan) và cuối cùng là nửa hoang mạc.

- Môi trường nhiệt đới gió mùa:

+ Lượng mưa thay đổi theo mùa gió và thời tiết diễn biến thất thường.

+ Nơi mưa nhiều, rừng có nhiều tầng (không bằng rừng rậm xanh quanh năm), nơi mưa ít có đồng cỏ cao nhiệt đới.

- Môi trường hoang mạc: khí hậu khắc nghiệt, thực vật rất khó phát triển.

THỰC HÀNH

1. Có ba ảnh về các kiểu môi trường đới nóng, xác định từng ảnh thuộc kiểu môi trường nào?

Trả lời:

- Ảnh A là hoang mạc Xa-ha-ra khô hạn, bề mặt chỉ có cát, không có sinh vật sinh sống.

$\Longrightarrow$ Môi trường hoang mạc.

- Ảnh B thực vật chủ yếu là xavan, đồng cỏ cao.

$\Longrightarrow$ Môi trường nhiệt đới.

- Ảnh C là rừng rậm rất phát triển ở Bắc Công-gô.

$\Longrightarrow$ Môi trường xích đạo ẩm.

2. Trong ba biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa dưới đây, hãy chọn biểu đồ phù hợp với ảnh xavan kèm theo.

Trả lời:

- Bức ảnh xavan là đại diện cho môi trường nhiệt đới được đặc trưng bởi nhiệt độ cao quanh năm, trong năm có một thời kì khô hạn (từ 3 đến 9 tháng); lượng mưa trung bình năm từ 500 – 1500 mm.

$\Longrightarrow$ Biểu đồ B là biểu đồ có các đặc điểm của môi trường nhiệt đới phù hợp với bức ảnh xavan kèm theo.

3. Có ba biểu đồ lượng mưa (A, B, C) và hai biểu đồ lưu lượng nước của các con sông (X, Y), hãy chọn và sắp xếp thành hai cặp sao cho phù hợp.

Trả lời:

- Lượng mưa có ảnh hưởng trực tiếp tới chế độ nước của sông.

- Quan sát 3 biểu đồ mưa A, B, C ta thấy:

+ Biểu đồ A mưa lớn quanh năm, mưa nhiều hơn vào xuân hạ.

+ Biểu đồ B lượng mưa cả năm ít, mưa nhiều vào ba tháng 7, 8, 9; mùa khô kéo dài.

+ Biểu đồ C lượng mưa cả năm tương đối lớn, mưa tập trung vào tháng 6, 7, 8, 9.

- Quan sát 2 biểu đồ chế độ nước sông X và Y ta thấy:

+ Biểu đồ X thể hiện sông nhiều nước quanh năm, lượng nước sông cao hơn vào xuân hạ.

+ Biểu đồ Y thể hiện sông có chế độ nước phân mùa, lượng nước sông cao hơn vào các tháng 6, 7, 8, 9.

$\Longrightarrow$ Kết luận:

- Biểu đồ A phù hợp với biểu đồ X.

- Biểu đồ C phù hợp với biểu đồ Y.

4. Quan sát các biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa dưới đây để chọn ra một biểu đồ thuộc đới nóng. Cho biết lí do chọn.

Trả lời:

Phân tích các biểu đồ, nhận thấy:

- Biểu đồ A: có nhiều tháng nhiệt độ xuống thấp dưới 15oC (tháng 5 - 10).

$\longrightarrow$ Không phải đới nóng.

- Biểu đồ B: nóng quanh năm, không có tháng nào nhiệt độ dưới 20oC và có 2 tháng nhiệt độ lên cao trong năm (tháng 5: 31oC, tháng 9: 28oC); mưa nhiều vào mùa hạ, có một mùa khô vào mùa mưa.

$\longrightarrow$ Biểu đồ thuộc đới nóng.

- Biểu đồ C: nhiệt độ tháng cao nhất trong năm (tháng 7) chỉ đạt 18oC.

$\longrightarrow$ Không phải đới nóng.

- Biểu đồ D: có mùa đông lạnh, nhiều tháng dưới -5oC (tháng 10 - 3).

$\longrightarrow$ Không phải đới nóng.

- Biểu đồ E: mùa hạ nóng trên 25oC, mùa đông mát; mưa rất ít và tập trung vào đông xuân.

$\longrightarrow$ Không phải đới nóng.

$\Longrightarrow$ Kết luận: Biểu đồ B thuộc đới nóng.