Bài 12. Cơ chế xác định giới tính
I. NHIỄM SẮC THỂ GIỚI TÍNH
- Ở tế bào lưỡng bội (2n NST):
+ Có các cặp NST thường (kí hiệu chung là A).
+ 1 cặp NST giới tính kí hiệu XX (tương đồng) và XY (không tương đồng).
- Ở người và động vật có vú, ruồi giấm... XX ở giống cái, XY ở giống đực.
- Ở chim, ếch nhái, bò sát, bướm... XX ở giống đực, XY ở giống cái.
- NST giới tính mang gen quy định tính đực, cái và tính trạng liên quan tới giới tính.
II. CƠ CHẾ NST XÁC ĐỊNH GIỚI TÍNH
- Đa số các loài, giới tính được xác định trong thụ tinh.
- Sự phân li và tổ hợp cặp NST giới tính trong giảm phân và thụ tinh là cơ chế xác định giới tính ở sinh vật.
- Tỉ lệ đực và cái xấp xỉ 1:1 ở đa số các loài.
- Ví dụ như cơ chế xác định giới tính ở người. Tỉ lệ nam và nữ xấp xỉ 1:1 do số lượng giao tử tinh trùng mang X và giao tử mang Y tương đương nhau, quá trình thụ tinh của 2 loại giao tử này với trứng X sẽ tạo ra 2 loại tổ hợp XX và XY ngang nhau.
P: (44A+XX) x (44A+XY)
GP: (22A+X); (22A+X); (22A+Y)
F1: (44A+XX) (gái); (44A+XY) (trai)
III. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÂN HÓA GIỚI TÍNH
- Ảnh hưởng của môi trường trong: rối loạn tiết hoocmôn sinh dục sẽ làm biến đổi giới tính, tuy nhiên cặp NST giới tính không đổi.
- Ảnh hưởng của môi trường ngoài: nhiệt độ, ánh sáng, nồng độ $CO_{2}$,… cũng làm biến đổi giới tính.
- Ý nghĩa: giúp con người chủ động điều chỉnh tỉ lệ đực, cái phù hợp với mục đích sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi.