Bài 11. Tình hình các nước Tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939)

1. Thiết lập trật tự thế giới mới theo hệ thống Vécxai - Oasinhtơn

- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước tư bản đã tổ chức Hội nghị hòa bình ở Vécxai (1919- 1920) và Oa-sinh-tơn (1921 - 1922) để phân chia quyền lợi. Một trật tự thế giới được thiết lập mang tên hệ thống Vécxai - Oasinhtơn.

- Hệ thống Véxai - Oasinh tơn mang lại quyền lợi nhiều nhất cho các nước thắng trận. Anh, Pháp, Mĩ xác lập sự nô dịch, áp đặt với các nước bại trận, gây nên mâu thuẫn sâu sắc giữa các nước đế quốc.

- Để duy trì trật tự thế giới mới, Hội Quốc Liên được thành lập với sự tham gia của 44 nước.

2. Cao trào cách mạng  1918 - 1922 ở các nước tư bản. Quốc tế Cộng sản

- Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, một cao trào cách mạng đã bùng nổ ở hầu hết các nước tư bản châu Âu trong những năm 1918 – 1923.

- Đỉnh cao là sự thành lập Cộng hòa Xô viết  Hung-ga-ri (3/1919), ở Ba-vi-e (Đức, tháng 4/1919).

- Nhiều Đảng Cộng sản ra đời ở các nước (Đức, Áo, Hung-ga-ri, Ba Lan, Phần Lan, Ác-hen-ti-na.)  đòi hỏi phải có một tổ chức quốc tế lãnh đạo theo một đường lối đúng đắn.

- Với vai trò tích cực của Lê-nin, ngày 2/3/1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập.

- Từ 1919 - 1943, Quốc tế Cộng sản tiến hành 7 lần đại hội, vạch ra đường lối cách mạng phù hợp với từng thời kỳ phát triển của cách mạng thế giới.

+ Tại đại hội lần II (1920), Quốc tế Cộng sản đã thông qua “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” do Lê-nin khởi thảo.

+ Tại đại hội VII (1935), Quốc tế Cộng sản đã chỉ rõ nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và kêu gọi các Đảng Cộng sản tích cực đấu tranh thành lập các Mặt trận thống nhất công nhân nhằm mục tiêu chống phát xít, chống chiến tranh.

- Năm 1943, Quốc tế Cộng sản tự giải tán do tình hình thế giới thay đổi nhưng Quốc tế Cộng sản đã có công lao to lớn trong việc thống nhất và phát triển phong trào cách mạng thế giới.

3. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1923 - 1933 và hậu quả của nó

- Tháng 10/1929, khủng hoảng kinh tế bùng nổ ở Mĩ sau đó lan ra các nước tư bản chủ nghĩa và kéo dài đến năm 1933. Kinh tế các nước tư bản bị tàn phá nặng nề, đẩy hàng trăm triệu người (công nhân, nông dân và gia đình) vào tình trạng đói khổ.

Những cuộc đấu tranh, biểu tình diễn ra liên tục khắp cả nước, lôi kéo hàng triệu người tham gia.

- Để đối phó lại cuộc khủng hoảng kinh tế, trong khi các nước Mĩ, Anh, Pháp tiến hành cải cách kinh tế - xã hội thì các nước như Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản… lại tìm kiếm lối thoát bằng hình thức thống trị mới.

- Quan hệ giữa các cường quốc tư bản ngày càng phức tạp và dần hình thành 2 khối đế quốc. Một bên là Mĩ, Anh, Pháp và một bên là Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản. Cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 khối báo hiệu nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới.

4. Phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh

- Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, phong trào đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh lan rộng ở nhiều nước. Mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước như Pháp, I-ta-li-a, Tiệp Khắc, Hi Lạp, Tây Ban Nha...

- Tháng 5/1936, Mặt trận nhân dân Pháp giành thắng lợi trong tổng tuyển cử, bảo vệ được nền dân chủ, Pháp thoát khỏi những hiểm họa của chủ nghĩa phát xít.

- Tháng 2/1936, ở Tây Ban Nha, Mặt trận nhân dân giành thắng lợi trong tổng tuyển cử nhưng các thế lực phát xít do Phran-cô cầm đầu đã gây nội chiến, thủ tiêu nền cộng hòa.