Bài 11: Tiến hóa của hệ vận động. Vệ sinh hệ vận động

I. SỰ TIẾN HÓA CỦA BỘ XƯƠNG NGƯỜI SO VỚI BỘ XƯƠNG THÚ

$\bullet \,\,$ Sự khác nhau giữa bộ xương người và bộ xương thú: 

Các phần so sánh

Bộ xương người

Bộ xương thú

Tỉ lệ sọ / mặt

Lớn

Nhỏ

Lồi cằm ở xương mặt

Phát triển

Không có

Cột sống

Cong ở 4 chỗ, hình chữ S, cột sống đứng

Cong hình cung, cột sống ngang

Lồng ngực

Phát triển rộng sang hai bên

Phát triển theo hướng lưng – bụng

Xương chậu

Rộng

Hẹp

Xương đùi

Phát triển, khỏe

Bình thường

Xương bàn chân

Hình vòm, xương ngón ngắn

Phẳng, xương ngón dài

Xương gót (thuộc nhóm xương cổ chân)

Lớn, phát triển về phía sau

Nhỏ

  
$\bullet \,\,$
Những đặc điểm tiến hóa của bộ xương người để thích nghi với tư thế đứng thẳng và đi bằng 2 chân:

- Hộp sọ phát triển

- Cột sống cong ở 4 chỗ

- Lồng ngực nở rộng sang hai bên

- Xương chậu mở rộng

- Xương đùi lớn

- Bàn chân hình vòm

- Xương gót lớn, phát triển về phía sau

II. SỰ TIẾN HÓA CỦA HỆ CƠ NGƯỜI SO VỚI HỆ CƠ THÚ

- Cơ tay và chân ở người phân hóa khác với động vật:

+ Tay có nhiều cơ phân hóa thành nhóm nhỏ phụ trách các phần khác nhau giúp tay cử động linh hoạt hơn chân, thực hiện nhiều động tác lao động phức tạp. Riêng ngón cái có 8 cơ phụ trách trong tổng số 18 cơ vận động bàn tay.

+ Cơ chân lớn, khỏe, cử động chân chủ yếu là gấp, duỗi.

- Người có tiếng nói phong phú nên cơ vận động lưỡi phát triển.

- Cơ mặt phân hóa giúp người biểu hiện tình cảm.

III. VỆ SINH HỆ VẬN ĐỘNG

- Để cơ và xương phát triển cần:

+ Có một chế độ dinh dưỡng hợp lý

+ Tắm nắng lúc sáng sớm

+ Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên

+ Lao động vừa sức

- Để tránh cong vẹo cột sống, khi học tập và lao động cần:

+ Lao động: mang vác vừa sức, khi mang vác phải đều 2 bên vai

+ Học tập: tư thế ngồi ngay ngắn, không nghiêng vẹo, gò lưng...