Bài 11. La Mã cổ đại
Thế kỉ VII TCN, thành La Mã mới bắt đầu được xây dựng với một vài khu dân cư thưa thớt bên những quả đồi ven sông Ti-bơ. Tuy nhiên, bảy thế kỉ sau đó, La Mã đã trở thành một đế chế hùng mạnh, cai quản một lãnh thổ rộng lớn xung quanh vùng Địa Trung Hải và truyền bá những thành tựu văn minh ra khắp đế chế.
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
- Nơi phát sinh ban đầu của La Mã cổ đại là bán đảo I-ta-li-a. Vùng đồng bằng màu mỡ ở thung lũng sông Pô và sông Ti-bơ thuận lợi cho việc trồng trọt. Miền Nam và đảo Xi-xin có những đồng cỏ thuận tiện cho việc chăn nuôi. Trong lòng đất chứa nhiều đồng, chì, sắt… nên các ngành thủ công nghiệp cũng rất phát triển.
- Bán đảo I-ta-li-a có hàng nghìn km đường bờ biển, lại nằm ở vị trí trung tâm Địa Trung Hải, rất thuận lợi cho giao thương và các hoạt động hàng hải. Từ đây, người La Mã có thể buôn bán khắp các vùng xung quanh Địa Trung Hải, dễ dàng chinh phục những vùng lãnh thổ mới và quản lí hiệu quả cả đế chế rộng lớn.
II. TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC LA MÃ CỔ ĐẠI
- Địa bàn ban đầu của La Mã cổ đại và phạm vi lãnh thổ của La Mã thời đế chế.
Khi mới thành lập, La Mã chỉ là một thành bang nhỏ bé ở miền Trung bán đảo I-ta-li-a. Dần dần, thông qua chiến tranh, lãnh thổ La Mã không ngừng được mở rộng và trở thành một đế chế rộng lớn. Vào đầu thế kỉ II, lãnh thổ của đế chế La Mã bao gồm toàn bộ vùng đất xung quanh Địa Trung Hải, vùng ven bờ Đại Tây Dương và quần đảo Anh.
- Cơ cấu tổ chức và hoạt động của nhà nước đế chế ở La Mã cổ đại.
+ Ban đầu, La Mã thiết lập hình thức nhà nước cộng hòa không có vua, cai trị dựa trên luật pháp và mọi chức vụ phải được bầu ra. Tuy nhiên, thực chất quyền lực nằm trong tay 300 thành viên của Viện Nguyên lão (quyền đề xuất luật, quyết định hòa bình hay chiến tranh, đề cử quan chấp chính), thuộc các gia đình giàu có nhất của giới chủ nô La Mã.
+ Từ năm 27 TCN, dưới thời của Ốc-ta-vi-út, La Mã chuyển sang hình thức nhà nước đế chế. Cơ cấu nhà nước vẫn duy trì như thời cộng hòa nhưng hoàng đế thâu tóm tất cả quyền lực. Viện Nguyên lão chỉ còn là hình thức, không còn quyền hành trong thời kì đế chế.
III. NHỮNG THÀNH TỰU VĂN HÓA TIÊU BIỂU
- Hệ thống chữ La-tinh ra đời trên cơ sở tiếp thu chữ cái của người Hy Lạp. Nó bao gồm 26 chữ cái, là nền tảng cho hơn 200 ngôn ngữ và chữ viết hiện nay.
- Người La Mã còn tạo ra hệ thống chữ số với 7 chữ cái cơ bản, gọi là chữ số La Mã.
- Hệ thống luật pháp La Mã được coi là tiến bộ nhất thời cổ đại và trở thành nền tảng cho việc xây dựng luật pháp ở các nước Âu – Mỹ sau này.
- Nhờ phát minh ra bê tông, người La Mã đã xây dựng được những công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga, như đấu trường Cô-li-dê, đền Pan-tê-ông, Khải hoàn môn. Họ còn xây dựng được hệ thống cầu cống, đường sá… khắp các vùng đất thuộc đế chế. Nhiều con đường hiện nay vẫn còn được sử dụng.
LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG
Luyện tập
1. Điểm giống nhau về điều kiện tự nhiên của Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Hy Lạp và La Mã đều có đường bờ biển dài, có nhiều đảo, nhiều vũng vịnh tạo điều kiện phát triển thương nghiệp, giao thương hàng hóa khắp nơi. Ngoài ra, cả hai còn có nhiều khoáng sản góp phần thúc đẩy phát triển các ngành thủ công nghiệp.
2. Vai trò của Viện Nguyên lão trong thời kì đế chế khác với thời kì cộng hòa như thế nào?
- Trong thời kì cộng hòa: Quyền lực nằm trong tay 300 thành viên của Viện Nguyên lão thuộc các gia đình giàu có nhất của giới chủ nô La Mã.
- Thời kì đế chế: Viện Nguyên lão chỉ còn là hình thức, không còn quyền hành vì hoàng đế đã thâu tóm tất cả quyền lực.
Vận dụng
3. Những thành tựu văn hóa nào của La Mã cổ đại vẫn được ứng dụng trong thời kì hiện đại?
Những thành tựu của La Mã cổ đại vẫn được ứng dụng trong thời kì hiện đại như hệ thống chữ số La Mã, bê tông vẫn được sử dụng cho xây dựng các công trình giao thông, dân dụng…