Bài 10: VB 1: Đợi mẹ

Thơ và sự thể hiện tình cảm, cảm xúc trong thơ

- Thơ được sáng tác nhằm bộc lộ tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước những khoảnh khắc của đời sống. Đọc thơ trước hết là tìm hiểu, lắng nghe, chia sẻ những tình cảm, cảm xúc ấy qua ngôn ngữ thơ.

- Ngôn ngữ thơ có khả năng truyền cảm, lan tỏa tình cảm, cảm xúc nhờ được tổ chức một cách đặc biệt, độc đáo thể hiện qua cách dùng từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, các biện pháp tu từ...

Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh

- Ngữ cảnh của một từ là những yếu tố ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ xung quanh nó. Như vậy, ngữ cảnh có thể là một tình huống, một đoạn văn, một câu, một cụm từ và cũng có thể là một từ. Ngữ cảnh có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn từ ngữ khi viết hoặc nói và hiểu nghĩa của từ khi đọc hoặc nghe.

- Nghĩa của từ trong ngữ cảnh.

+ Trong mỗi ngữ cảnh, từ thể hiện khả năng kết hợp với các yếu tố khác, qua đó bộc lộ một nghĩa xác định nào đó. Khi gặp một từ không biết nghĩa, có thể dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ.

Ví dụ 1: Con đường này có nhiều đoạn gấp khúc ngắn, nối nhau liên tiếp rất nguy hiểm nhưng không có biển báo đường khúc khuỷu.

Cần dựa vào ngữ cảnh là các cụm từ “nhiều đoạn gấp khúc ngắn”, “nối nhau liên tiếp” để xác định nghĩa của từ “khúc khuỷu”.

Ví dụ 2: Nhờ vào những phát minh vĩ đại như máy hơi nước, điện, tivi, máy vi tính... mà chúng ta có được cuộc sống tiện nghi, thoải mái.

 Để xác định nghĩa của từ “phát minh”, cần căn cứ vào một số ví dụ cụ thể như “máy hơi nước”, “điện”, “tivi”, “máy tính”.

+ Khi xác định nghĩa của từ, cần phải lưu ý xem trong ngữ cảnh này, từ có được dùng với nghĩa thông thường (nghĩa có trong từ điển) hay được dùng với nghĩa khác. Chẳng hạn, trong câu sau, từ “lửa” không được dùng với nghĩa thông thường ghi trong từ điển mà dùng để chỉ màu đỏ như lửa của hoa lựu.

“Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”.

- Văn bản Đợi mẹ của nhà thơ Vũ Quần Phương được in trong Thơ về mẹ, Nhiều tác giả, NXB Lao động, 2012.

- Nhà thơ Vũ Quần Phương tên khai sinh là Vũ Ngọc Chúc, ông sinh năm 1940, quê ở Nam Định. Ông là tác giả một số tập thơ tiêu biểu như: Hoa trong cây, Những điều cùng đến, Vầng trăng trong xe bò, vết thời gian

Chuẩn bị đọc

Đợi chờ luôn mang lại cho người đợi những cảm xúc đặc biệt. Hãy chia sẻ với các bạn những cảm xúc của em khi đợi chờ một ai đó/một điều gì đó.

Khi đợi chờ một ai đó/một điều gì đó, ta luôn cảm thấy hồi hộp, nôn nao và mong đợi những điều thú vị.

Trải nghiệm cùng văn bản

1. Em hình dung thấy điều gì khi đọc đoạn thơ này?

Em hình dung về một em bé đang ngồi mong ngóng, chờ đợi người mẹ trước hiên nhà, dưới ánh trăng cô đơn, trống trải.

2. Mẹ đã bế ai vào nhà? Dựa vào đâu mà em cho là như vậy?

Em bé ngồi đợi mẹ trong khoảng thời gian dài nên đã ngủ thiếp đi trước khi mẹ về. Dựa vào câu thơ "mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ" để xác định hành động mẹ đã bế bạn nhỏ vào nhà.

Suy ngẫm và phản hồi

1. Xác định cách gieo vần và ngắt nhịp của bài thơ. Em có nhận xét gì về cách gieo vần và ngắt nhịp ấy?

Bài thơ sử dụng cách gieo vần lưng, cách ngắt nhịp linh hoạt giúp bài thơ giàu sức gợi, giản dị, tự nhiên, góp phần diễn tả tâm trạng chờ đợi mẹ của em bé.

2. Tìm và nêu tác dụng của những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ thể hiện tâm trạng đợi mẹ của em bé.

Em bé nhìn vầng trăng nhưng chưa nhìn thấy mẹ, em bé nhìn vầng trăng, chờ tiếng bước chân mẹ với tâm trạng thấp thỏm, mong ngóng.

3. Nêu cảm nhận của em về hình ảnh "Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ".

Hình ảnh “Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ” là hình ảnh ẩn dụ chỉ cảnh tượng ngày nào em bé cũng ngồi đợi mẹ về với sự nhớ nhung, mong ngóng, tâm trạng ấy đi cả vào giấc ngủ. Hành động mẹ bế em bé vào nhà với thái độ trân trọng, yêu thương, pha lẫn sự xót xa. Câu thơ đã diễn tả được tình mẫu tử sâu sắc, gắn bó.

4. Bài thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc gì của tác giả? Hãy tìm những từ ngữ, hình ảnh thể hiện tình cảm, cảm xúc ấy.

- Bài thơ thể hiện tình cảm chân thành, xúc động của tác giả luôn khát khao tình yêu thương của mẹ.

- Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện tình cảm, cảm xúc ấy:

+ Ngồi nhìn ra đồng lúa.

+ Ngọn lửa bếp chưa nhen.

+ Căn nhà tranh trống trải.

+ Chờ tiếng bàn chân mẹ.

+ Chân mẹ lội bùn ì oạp đồng xa.

5. Theo em, tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì qua bài thơ trên?

Tác giả muốn gửi gắm thông điệp thiêng liêng về tình mẫu tử, sự gắn bó chặt chẽ giữa những thành viên trong gia đình. Bài thơ còn khắc họa chân thực hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ vì mưu sinh.

6. Tình cảm của bé và mẹ dành cho nhau gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm giữa những người thân trong gia đình?

Tình cảm giữa những người thân trong gia đình luôn là một tình gắn bó đáng trân trọng. Tình cảm ấy chính là sự yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ, đùm đọc, chăm sóc lẫn nhau. Nhờ có tình cảm gia đình mà ta có sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Bởi vậy mỗi người cần phải trân trọng và bảo vệ tình cảm gia đình.