Bài 10: Nguồn âm
I. NHẬN BIẾT NGUỒN ÂM
- Âm thanh gọi tắt là âm.
- Vật phát ra âm gọi là nguồn âm.
- Một số nguồn âm thường gặp trong đời sống:
+ Các nguồn âm tự nhiên: chim hót, mưa rơi, tiếng sấm, thác đổ, gió lùa,…
+ Các nguồn âm nhân tạo: dây đàn, tiếng động cơ, tiếng trống, tiếng nói chuyện,…
II. CÁC NGUỒN ÂM CÓ CHUNG ĐẶC ĐIỂM GÌ?
- Khi phát ra âm thanh, các vật đều dao động
- Dao động là sự rung động (chuyển động) qua lại vị trí cân bằng.
- Vị trí cân bằng là vị trí lúc vật đứng yên.
Ví dụ:
+ Khi chưa kéo dây thun (dây thun đứng yên) ta nói lúc này dây thun đang ở vị trí cân bằng (không phát ra âm thanh).
+ Khi kéo dây thun rồi thả tay ra, lúc đó dây thun rung động và phát ra âm thanh.
$\longrightarrow$ Dây thun là nguồn âm
$\bullet \,\,$ Nhận biết các vật được gọi là nguồn âm:
- Dựa vào định nghĩa và đặc điểm của nguồn âm để nhận biết một vật có phải nguồn âm hay không:
+ Tất cả các vật dao động đều phát ra âm thanh.
+ Mọi vật phát ra âm thanh đều được gọi là nguồn âm.
+ Hay đã là nguồn âm thì vật đó đang dao động.
III. VẬN DỤNG
$\bullet \,\,$ C6
Em có thể làm cho một số vật như tờ giấy, lá chuối... phát ra âm được không?
Trả lời:
- Có thể dùng tờ giấy hay tàu lá chuối quấn thành một cái kèn. Thối vào kèn sẽ phát ra âm thanh.
$\bullet \,\,$ C7
Hãy tìm hiểu xem bộ phận nào dao động phát ra âm trong hai nhạc cụ mà em biết.
Trả lời:
- Ví dụ như:
+ Đàn ghi ta: bộ phận phát ra âm là dây đàn.
+ Cái trống: bộ phận phát ra âm là mặt trống khi dao động.
+ Thổi kèn: luồng không khí (hơi thở) qua kèn dao động nên kèn phát ra âm.
$\bullet \,\,$ C8
Nếu em thổi vào miệng một lọ nhỏ, cột không khí trong lọ sẽ dao động và phát ra âm. Hãy tìm cách kiểm tra xem có đúng khi đó cột khí dao động không?
Trả lời:
- Có thể kiểm tra sự dao động của cột không khí trong lọ bằng cách dán vài tờ giấy mỏng ở miệng lọ sẽ thấy tua giấy rung rung.
- Hoặc có thể cho vào lọ một ít vụn giấy nhỏ li ti, khi thổi vào lọ thì lọ phát ra âm và thấy vụn giấy bay lên xuống. Chứng tỏ không khí trong lọ đã dao động làm cho vụn giấy bay.
$\bullet \,\,$ C9
Hãy làm một nhạc cụ (đàn ống nghiệm) theo chỉ dẫn dưới đây:
- Đổ nước vào bảy ống nghiệm giống nhau đến các mực nước khác nhau (hình 10.4).
- Dùng thìa gõ nhẹ lần lượt vào từng ống nghiệm sẽ nghe được các âm trầm bổng khác nhau.
a) Bộ phận nào dao động phát ra âm?
b) Ống nào phát ra âm trầm nhất, ống nào phát ra âm bổng nhất?
- Lần lượt thổi mạnh vào miệng các ống nghiệm sẽ nghe được các âm trầm, bổng khác nhau (hình 10.5).
c) Cái gì dao động phát ra âm?
d) Ống nào phát ra âm trầm nhất, ống nào phát ra âm bổng?
Trả lời:
Thí nghiệm cho thấy:
a) Không khí và nước trong ống nghiệm dao động phát ra âm.
b) Ống nghiệm chứa cột nước khác nhau (cột không khí trong ống nghiệm cũng khác nhau) $\longrightarrow$ âm phát ra khác nhau.
Ta thấy: Ống có nhiều nước nhất phát ra âm trầm nhất, ống có ít nước nhất phát ra âm bổng nhất.
c) Cột không khí trong ống dao động phát ra âm.
d) Ống có cột không khí dài nhất phát ra âm trầm nhất. Ống có cột không khí ngắn nhất phát ra âm bổng nhất.