Bài 10. Các nước Tây Âu
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình các nước Tây Âu đã có những thay đổi to lớn và sâu sắc. Tiêu biểu là sự liên kết các nước Tây Âu trong tổ chức liên minh (EU) – tổ chức khu vực lớn nhất, chặt chẽ nhất, có những thành công lớn về kinh tế và chính trị.
I. Tình hình chung
- Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), nhiều nước Tây Âu bị tàn phá nặng nề.
- Năm 1948, 16 nước Tây Âu nhận viện trợ kinh tế của Mĩ theo “Kế hoạch Mác-san”. Kế hoạch được thực hiện từ năm 1948 – 1951 với số tiền khoảng 17 tỉ USD. Kinh tế Tây Âu phục hồi nhanh chóng nhưng ngày càng lệ thuộc vào Mĩ.
+ Các nước muốn nhận viện trợ không được quốc hữu hóa các xí nghiệp, hạ thuế đối với hàng hóa của Mĩ, gạt bỏ những người cộng sản ra khỏi chính phủ.
- Sau khi củng cố thế lực, giai cấp tư sản cầm quyền ở Tây Âu tìm cách thu hẹp các quyền tự do dân chủ, xóa bỏ những cải cách tiến bộ, ngăn cản phong trào công nhân và dân chủ.
- Sau chiến tranh, nhiều nước Tây Âu tiến hành chiến tranh xâm lược nhằm khôi phục ách thống trị đối với thuộc địa.
- Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh gay gắt giữa hai phe, các nước Tây Âu đã tham gia khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chạy đua vũ trang và thiết lập nhiều căn cứ quân sự.
- Sau chiến tranh, nước Đức bị chia cắt thành 2 nước đối đầu nhau: Cộng hòa Liên bang Đức (9/1949) và cộng hòa dân chủ Đức (10/1949). Nền kinh tế Liên bang Đức được sự trợ giúp của Mĩ giúp đỡ đã hồi phục và phát triển nhanh chóng. Đến thập niên 60, sản xuất công nghiệp của Liên bang Đức vươn lên thứ ba trong thế giới tư bản, sau Mĩ và Nhật Bản.
- Ngày 3/10/1990, nước Đức thống nhất và trở thành quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh nhất Tây Âu.
II. Sự liên kết khu vực
- Từ năm 1950, kinh tế Tây Âu khôi phục, xuất hiện xu hướng liên kết kinh tế giữa các nước trong khu vực.
+ Khởi đầu là sự ra đời của “Cộng đồng than – thép châu Âu” vào tháng 4/1951 gồm các quốc gia Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua.
+ Tháng 3/1957, sáu nước trên cùng thành lập “Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu” rồi “Cộng đồng kinh tế châu Âu” (EEC) hình thành thị trường chung châu Âu.
- Tháng 7/1967, ba cộng đồng trên sáp nhập thành Cộng đồng châu Âu (EC).
- Tháng 12/1991, các nước EC họp Hôi nghị cấp cao tại Ma-xtrích (Hà Lan) thông qua hai quyết định quan trọng :
+ Xây dựng một thị trường nội địa châu Âu với một liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu, có một đồng tiền chung duy nhất là đồng ơrô (EURO).
+ Xây dựng môt liên minh chính trị, mở rộng sang liên kết về chính sách đối ngoại và an ninh, tiến tới một nhà nước chung châu Âu.
- Hội nghị Ma-xtrích quyết định Cộng đồng châu Âu có tên gọi mới là Liên Minh châu Âu (EU).
- Liên Minh Châu Âu là một liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới và trở thành một trong ba trung tâm kinh tế, tài chánh thế giới. Đến năm 1999, EU gồm 15 nước, năm 2004 là 25 nước.