Bài 1: Viết: Làm bài thơ bốn chữ hoặc 5 chữ

- Một số điểm cần lưu ý khi làm một bài thơ:

+ Thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận... của người viết về cuộc sống.

+ Sử dụng từ ngữ, hình ảnh phù hợp để thể hiện cách nhìn, cảm xúc của bản thân về cuộc sống.

+ Sử dụng các biện pháp tu từ phù hợp để tạo nên những liên tưởng độc đáo, thú vị.

+ Gieo vần, ngắt nhịp một cách hợp lí để làm tăng giá trị biểu đạt của ngôn từ.

+ Đặt nhan đề phù hợp với nội dung văn bản.

+ Đảm bảo đủ số chữ (bốn chữ hoặc năm chữ) ở các dòng thơ theo yêu cầu của thể loại.

- Bài thơ Nắng hồng của tác giả Bảo Ngọc được tin trong tập Gõ cửa nhà trời (NXB Kim Đồng năm 2019).

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ.

2. Để miêu tả bức tranh sống động của mùa đông, tác giả đã dùng những hình ảnh và biện pháp nghệ thuật nào?

- Những hình ảnh miêu tả bức tranh sống động của mùa đông:

Mặt trời trốn đi, cây khoác áo nâu, trời thì xám, chim không hót mà núp kín, chị ong chăm chỉ cũng không làm việc. Mưa phùn giăng như sương, khói bếp đung đưa trên trời, màn sương ôm dáng mẹ, còn áo khoác mẹ như đốm nắng di động.

- Các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng là nhân hóa, so sánh và ẩn dụ.

3. Vì sao khi sáng tác thơ, văn, cần sử dụng biện pháp nhân hóa, so sánh để miêu tả sự vật, hiện tượng?

Khi sử dụng các biện pháp tu từ ngoài tác dụng miêu tả sinh động, ấn tượng các sự vật, hiện tượng còn tạo ra sự hấp dẫn, độc đáo, góp phần giúp việc diễn đạt giàu sức gợi tả và cảm xúc hơn.

4. Làm thơ không phải là chỉ miêu tả sự vật, hiện tượng mà còn phải thể hiện cảm xúc và cách nhìn mới lạ, thú vị về cuộc sống. Hai khổ thơ cuối có thể hiện các đặc điểm đó không?

- Hai khổ thơ cuối đã miêu tả sự vật, hiện tượng thông qua hình ảnh màn sương như ôm mẹ vào lòng và chiếc áo choàng của mẹ đỏ rực như đốm nắng giữa trời sương giá khiến không gian trở nên ấm áp. Nụ cười của mẹ đã mang đến cho con cả mùa xuân ấm áp, tràn đầy sức sống.

- Hình bóng mẹ được miêu tả độc đáo, mới lạ nhưng vẫn gần gũi, thân thiết, vòng tay mẹ vẫn luôn chở che, bao bọc cho con.

5. Trong bài thơ này, tác giả đã sử dụng những loại vần nào?

- Vần chân: đâu – nâu, ngắt – hát, nhà – hoa, ngõ – mờ - nhỏ, lửa – đưa – cửa, đầy – tay...

- Vần lưng: giấu – sâu, trong – cóng, đang – choàng….

6. Từ cách viết của tác giả trong bài thơ trên, em học được điều gì về cách làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ?

- Đặt nhan đề phù hợp với nội dung.

- Mỗi câu thơ chỉ 4 chữ hoặc 5 chữ (tùy theo thể loại).

- Khi miêu tả thiên nhiên, hiện tượng thì sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa...

- Câu thơ không chỉ miêu tả sự vật, hiện tượng mà còn thể hiện cảm xúc và cách nhìn mới lạ, thú vị về cuộc sống.

- Kết hợp gieo vần chân và vần lưng để tạo nhịp điệu cho bài thơ.

Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài: Hãy làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ thể hiện cảm xúc của em về một sự vật, hiện tượng nào đó của thiên nhiên hoặc cuộc sống.

Bước 1: Trước khi viết

- Đọc lại những bài thơ ở phần Đọc để học cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống của các nhà thơ.

- Ngắm nhìn những hình ảnh của cuộc sống quanh em và xác định:

+ Mục đích viết bài.

+ Người đọc bài này có thể là ai?

+ Nội dung và cách viết như thế nào?

Bước 2: Tìm ý tưởng cho bài thơ

- Tập trung vào một sự vật, hiện tượng đã để lại trong em ấn tượng, cảm xúc sâu sắc nhất.

- Liệt kê tất cả những ý tưởng, cảm xúc mà em có khi ngắm nhìn những hình ảnh của cuộc sống. Ví dụ: sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, cảm xúc bâng khuâng về bước đi của thời gian trên chiếc lá, hoa phượng nở: đốm lửa của niềm vui ngày hè, niềm hạnh phúc trong nụ cười của cha, màu thời gian trên mái tóc của mẹ...

Bước 3: Làm thơ

- Thể hiện những ấn tượng, cảm xúc đó bằng những từ ngữ thích hợp.

- Chọn những từ ngữ gợi tả âm thanh, mùi vị, màu sắc, hình ảnh của sự vật, hiện tượng để thể hiện rõ nhất, chính xác nhất cảm xúc, ý tưởng của em.

- Dùng các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ điệp từ, điệp ngữ... để tăng hiệu quả thể hiện của bài thơ.

- Thay thế những từ ngữ đã viết bằng những từ ngữ khác có vần giống (thanh - xanh, vơi - khơi) hoặc gần giống nhau (ngại – thật, ta - hoa) để gieo vần cho bài thơ.

- Ngắt nhịp ở những vị trí phù hợp, đảm bảo thể hiện hiệu quả ý tưởng của em.

- Đọc diễn cảm các câu thơ đã viết, lắng nghe xem giọng điệu có phù hợp với cảm xúc mà em muốn thể hiện hay không.

Bước 4: Chỉnh sửa và chia sẻ

- Đọc lại bài thơ bằng giọng điệu phù hợp. Sau đó, dùng bảng kiểm (SGK Ngữ văn 7, tr. 24, 25) để điều chỉnh hình thức và nội dung bài thơ.

- Sau khi kiểm xong, tiếp tục điều chỉnh bài thơ. Hoạt động này có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần.

- Chia sẻ bài thơ với người thân trong gia đình, với bạn bè.