Bài 1: Đọc: VB2: Sang thu

- Nhà thơ Hữu Thỉnh (1942) quê ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, thơ của ông thường có những liên tưởng độc đáo thể hiện những suy tư giàu chất nhân văn và cái nhìn mang màu sắc triết lí về cuộc sống.

- Một số tác phẩm tiêu biểu của ông là Đường tới thành phố, Từ chiến hào tới thành phố, Thư mùa đông, Trường ca biển… Bài thơ Sang thu được in trong tập Từ chiến hào đến thành phố.

Chuẩn bị đọc

Em hãy chia sẻ cảm nhận của mình về thiên nhiên vào thời khắc giao mùa.

Thời khắc giao mùa là sự thay đổi về thời tiết, vừa mang đặc điểm của mùa cũ, vừa đón nhận những đặc điểm của mùa mới. Khoảnh khắc đặc biệt khiến lòng người nào nao như cảm giác tạm biệt bạn cũ và nao nức mong chờ bạn mới.

Trải nghiệm cùng văn bản

1. Em hình dung thế nào về hình ảnh "Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu"?

Hình ảnh đó khiến em liên tưởng một dải mây bồng bềnh, mềm mại, một nửa vẫn mang bóng dáng mùa hạ với cái nắng chói chang, nửa còn lại vươn mình sang thu với ánh nắng dịu dàng và bầu trời xanh ngắt, bao la. Dải mây mềm mại ấy khiến ranh giới giữa mùa thu và mùa hạ trở nên mơ hồ, mong manh.

2. Điểm chung của những từ ngữ như chùng chình, dềnh dàng, vắt nửa mình, vơi dần là gì?

 Các từ ngữ trên đều thể hiện một trạng thái chuyển động, dịch chuyển chậm rãi, thong thả, đủng đỉnh của sự vật.

Suy ngẫm và phản hồi

1. Bài thơ tả cảnh thiên nhiên vào thời điểm nào? Dựa vào đầu em nhận biết được điều đó?

- Bài thơ tả cảnh thiên nhiên vào thời điểm giao mùa giữa mùa hạ và mùa thu.

- Những dấu hiệu nhận biết:

+ Hương ổi nồng nàn trong gió, sương chùng chình, sông dềnh dàng trôi, những cánh chim bay vội vã, nắng cuối hạ bớt gay gắt.

+ Tâm trạng con người ngỡ ngàng, bâng khuâng.

2. Tìm các từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ. Qua cách miêu tả đó, em cảm nhận như thế nào về tâm hồn nhà thơ?

- Các từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên:

+ Hương ổi phả vào trong gió.

+ Sương chùng chình qua ngõ.

+ Sông dềnh dàng trôi.

+ Chim bay vội vã.

+ Mây mùa hạ vắt nửa mình…

- Tâm hồn của tác giả rất tinh tế, nhạy cảm mới phác họa được hình ảnh miêu tả những chuyển động mơ hồ của thiên nhiên.

3. Cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ Sang thu có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện nội dung văn bản?

- Cách ngắt nhịp 2/3, 3/2.

- Cách gieo vần chủ yếu là vần chân (se - về, vã - hạ).

- Cách ngắt nhịp và gieo vần tạo sự liên kết giữa các câu thơ, tạo nhạc điệu cho bài thơ.

4. Theo em, chủ đề của bài thơ Sang thu là gì? Qua bài thơ này, tác giả muốn gửi thông điệp gì đến người đọc?

- Chủ đề của bài thơ Sang Thu là những cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa.

- Thông điệp của bài thơ là mỗi mùa, mỗi khoảnh khắc của thiên nhiên đều có vẻ đẹp riêng, hãy cảm nhận bằng tất cả các giác quan, tận hưởng vẻ đẹp đó và yêu quý thiên nhiên hơn.

5. Nếu nhan đề Sang thu được đổi thành Thu hay Mùa thu thì có phù hợp với nội dung của bài thơ hay không? Vì sao?

- Nếu nhan đề đổi thành Thu hay Mùa thu thì không phù hợp với nội dung của bài thơ.

- Nội dung bài thơ miêu tả khoảng khắc giao mùa, khi mùa hạ vẫn chưa qua và mùa thu chưa tới. Đây là thời khắc đặc biệt khi sắp sửa bước vào mùa thu.

6. Đọc bài thơ Sang thu em học được gì từ cách quan sát, cảm nhận thiên nhiên của tác giả?

- Quan sát và cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan (thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác...) để không bỏ sót điều gì.

- Quan sát và cảm nhận chi tiết để nhận biết những rung chuyển, biến đổi mơ hồ nhất để có những phát hiện thú vị.

- Quan sát và cảm nhận theo một trình tự: từ khái quát đến cụ thể, từ cụ thể đến trừu tượng, rút ra những chiêm nghiệm, kết luận có ý nghĩa.

7. Chọn một từ ngữ trong bài thơ mà em cho là hay nhất. Viết ít nhất một câu để giải thích cho sự lựa chọn của em.

- Từ "Phả” mang sắc thái mạnh, diễn tả sự chủ động khi nương theo gió đưa mùi hương nồng nàn lan tỏa khắp nơi.

- Ví dụ: Đêm khuya, mùi hương ngọc lan phả vào từng ô cửa sổ trong khu phố đang say giấc.