Bài 1: Dân số
1. Dân số, nguồn lao động
- Các cuộc điều tra dân số cho biết tình hình dân số, nguồn lao động, độ tuổi, tổng số nam nữ, trình độ văn hóa, nghề nghiệp… của dân cư một địa phương, một nước.
- Dân số được biểu hiện cụ thể bằng một tháp tuổi, thể hiện: giới tính, độ tuổi, nguồn lực lao động hiện tại và tương lai.
2. Dân số thế giới tăng nhanh trong thế kỉ XIX và thế kỉ XX
- Trong nhiều thế kỉ, dân số thế giới tăng rất chậm do chiến tranh, đói kém, dịch bệnh.
- Từ những năm đầu thế kỉ XIX đến nay, dân số thế giới tăng rất nhanh.
- Nguyên nhân là do có những tiến bộ về kinh tế - xã hội và y tế.
3. Sự bùng nổ dân số
- Từ những năm 50 của thế kỉ XX, bùng nổ dân số đã diễn ra tại các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mĩ La-tinh.
- Đặc điểm: Sự gia tăng dân số trên thế giới không đồng đều.
+ Tại các nước phát triển, dân số đang giảm.
+ Các nước đang phát triển, dân số tăng và có xu hướng tăng nhanh.
- Nguyên nhân:
+ Sau chiến tranh, đời sống được cải thiện và những tiến bộ về y tế làm giảm nhanh tỉ lệ tử vong trong khi tỉ lệ sinh vẫn cao.
+ Do cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật phát triển trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế… nên các nước đang phát triển có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên cao.
- Hậu quả: Tạo nên sức ép đối với việc làm, phúc lợi xã hội, môi trường, kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội,…
+ Đói nghèo.
+ Tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng.
+ Gia tăng các tệ nạn xã hội.
+ Thiếu chỗ ở, nhiều khu ổ chuột xuất hiện,...
- Biện pháp: Các nước đang phát triển cần có chính sách dân số hợp lí để khắc phục bùng nổ dân số.