38. Diễn thế sinh thái

I. KHÁI NIỆM VỀ DIỄN THẾ SINH THÁI

- Diễn thế sinh thái là quá trình biến đổi tuần tự của quần xã qua các giai đoạn tương ứng với sự biến đổi của môi trường.

- Diễn thế sinh thái gồm 3 giai đoạn: khởi đầu, giữa và cuối.

II. CÁC LOẠI DIỄN THẾ SINH THÁI

1. Diễn thế nguyên sinh

-­ Diễn thế nguyên sinh là diễn thế khởi đầu từ môi trường chưa có sinh vật.

-­ Quá trình diễn thế diễn ra theo các giai đoạn sau:

+ Giai đoạn tiên phong: Các sinh vật đầu tiên phát tán đến hình thành quần xã tiên phong.

+ Giai đoạn giữa: Giai đoạn hỗn hợp, gồm các quần xã thay đổi tuần tự, thay thế lẫn nhau.

+ Giai đoạn cuối: Giai đoạn đỉnh cực, hình thành quần xã tương đối ổn định.

2. Diễn thế thứ sinh

-­ Diễn thế thứ sinh là diễn thế xuất hiện ở môi trường đã có một quần xã sinh vật từng sống.

-­ Quá trình diễn thế diễn ra theo sơ đồ sau:

+ Giai đoạn đầu: Giai đoạn quần xã ổn định.

+ Giai đoạn giữa: Giai đoạn gồm các quần xã thay đổi tuần tự.

+ Giai đoạn cuối: Hình thành quần xã ổn định khác hoặc quần xã bị suy thoái.

III. NGUYÊN NHÂN CỦA DIỄN THẾ SINH THÁI

1. Nguyên nhân bên ngoài

- Do tác động mạnh mẽ của ngoại cảnh lên quần xã như sự thay đổi môi trường, khí hậu, mưa bão, lũ lụt, núi lửa…

2. Nguyên nhân bên trong

- Sự cạnh tranh gay gắt giữa các loài trong quần xã là nhân tố sinh thái quan trọng làm biến đổi quần xã sinh vật.

- Tác động từ hoạt động khai thác tài nguyên của con người như: đốt rừng, san lấp hồ ao, xây đập ngăn sông…

IV. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU DIỄN THẾ SINH THÁI

- Biết được các quy luật phát triển của quần xã sinh vật, dự đoán được các quần xã tồn tại trước đó và quần xã sẽ thay thế trong tương lai, để từ đó có thể:

+ Chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ và khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

+ Kịp thời đề xuất các biện pháp khắc phục những biến đổi bất lợi của môi trường, sinh vật và con người.