35. Các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật
I. TỈ LỆ GIỚI TÍNH
1. Khái niệm
- Tỉ lệ giới tính là tỉ lệ giữa số lượng cá thể đực và số lượng cá thể cái trong quần thể.
- Tỉ lệ giới tính thường xấp xỉ 1/1. Tuy nhiên tỉ lệ này có thể thay đổi tùy từng loài, từng thời gian, điều kiện sống...
- Tỉ lệ giới tính là đặc trưng quan trọng đảm bảo hiệu quả sinh sản của quần thể trong điều kiện môi trường thay đổi.
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến tỉ lệ giới tính
- Tỉ lệ giới tính chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, ví dụ như:
+ Tỉ lệ tử vong không đều giữa cá thể đực và cá.
+ Do điều kiện môi trường sống.
+ Do đặc điểm sinh sản của loài.
+ Do đặc điểm sinh lí và tập tính của loài.
+ Do điều kiện dinh dưỡng của các cá thể…
3. Ứng dụng
- Người ta có thể tính toán một tỉ lệ các con đực và cái phù hợp để đem lại hiệu quả kinh tế.
II. NHÓM TUỔI
1. Khái niệm
- Tuổi sinh lí là thời gian sống có thể đạt tới của một cá thể trong quần thể.
- Tuổi sinh thái là thời gian sống thực tế của cá thể.
- Tuổi quần thể là tuổi bình quần của các cá thể trong quần thể.
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc tuổi
- Quần thể có cấu trúc tuổi đặc trưng, cấu trúc luôn thay đổi phụ thuộc vào điều kiện môi trường sống.
+ Khi môi trường sống bất lợi: cá thể non và già chết nhiều hơn các cá thể có nhóm tuổi trung bình.
+ Khi môi trường sống thuận lợi: các con non lớn nhanh chóng, tỉ lệ tử vong giảm.
3. Ứng dụng
- Giúp cho chúng ta bảo vệ và khai thác tài nguyên sinh vật có hiệu quả hơn.
III. SỰ PHÂN BỐ CÁ THỂ CỦA QUẦN THỂ
Gồm 3 kiểu phân bố:
1. Phân bố theo nhóm
- Là kiểu phân bố phổ biến nhất, các quần thể tập trung theo nhóm ở những nơi có điều kiện sống tốt nhất. Kiểu phân bố này có ở những động vật sống bầy đàn, các cá thể này hỗ trợ lẫn nhau chống lại điều kiện bất lợi của môi trường (di cư, trú đông, chống kẻ thù…).
2. Phân bố đồng đều
- Thường gặp khi điều kiện sống phân bố đồng đều và có sự cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể trong quần thể. Kiểu phân bố này làm giảm sự cạnh tranh gay gắt.
3. Phân bố ngẫu nhiên
- Là dạng trung gian của 2 dạng trên. Kiểu phân bố này giúp sinh vật tận dụng được nguồn sống tiềm tàng của môi trường.
IV. MẬT ĐỘ CÁ THỂ CỦA QUẦN THỂ
- Mật độ: Số lượng cá thể của quần thể trên một đơn vị diện tích hay thể tích.
- Mật độ cá thể của quần thể là một trong những đặc trưng cơ bản quan trọng của quần thể vì ảnh hưởng lớn tới mức độ sử dụng nguồn sống, khả năng sinh sản và tử vong của cá thể.
+ Khi mật độ cá thể của quần thể tăng quá cao, các cá thể cạnh tranh nhau gay gắt giành thức ăn, nơi ở... dẫn tới tỉ lệ tử vong tăng cao.
+ Khi mật độ cá thể của quần thể giảm, các cá thể trong quần thể tăng cường hỗ trợ lẫn nhau.
V. KÍCH THƯỚC CỦA QUẦN THỂ SINH VẬT
- Kích thước của quần thể sinh vật là số lượng cá thể đặc trưng (hoặc khối lượng hay năng lượng tích lũy trong các cá thể) phân bố trong khoảng không gian của quần thể.
- Mỗi quần thể có kích thước đặc trưng. Ví dụ: quần thể voi khoảng 25 con, quần thể gà rừng khoảng 200 con…
1. Kích thước tối thiểu và kích thước tối đa
- Kích thước tối thiểu là số lượng cá thể ít nhất mà quần thể cần có để duy trì và phát triển. Nếu kích thước quần thể xuống dưới mức tối thiểu, quần thể dễ rơi vào tình trạng suy giảm dẫn tới diệt vong.
- Kích thước tối đa là giới hạn cuối cùng về số lượng mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường. Nếu kích thước quá lớn, cạnh tranh giữa các cá thể cũng như ô nhiễm, bệnh tật… tăng cao, dẫn tới một số cá thể di cư khỏi quần thể và mức tử vong cao.
2. Những nhân tố ảnh hưởng tới kích thước của quần thể sinh vật
a) Mức độ sinh sản của quần thể sinh vật
- Là số lượng cá thể của quần thể được sinh ra trong một đơn vị thời gian.
- Mức độ sinh sản phụ thuộc vào số lượng trứng của một lứa đẻ, số lứa đẻ của một cá thể trong đời, tuổi trưởng thành sinh dục cá thể, nguồn thức ăn, điều kiện khí hậu…
b) Mức độ tử vong của quần thể sinh vật
- Là số lượng cá thể của quần thể bị chết trong một đơn vị thời gian.
- Mức độ tử vong của quần thể phụ thuộc vào trạng thái của quần thể và các điều kiện sống của môi trường như sự biến đổi bất thường của khí hậu, bệnh tật, lượng thức ăn, kẻ thù…
c) Phát tán cá thể của quần thể sinh vật
- Là sự xuất cư và nhập cư của các cá thể.
+ Xuất cư là hiện tượng một số cá thể rời bỏ quần thể của mình di chuyển đến nơi ở khác.
+ Nhập cư là hiện tượng một số cá thể nằm ngoài quần thể chuyển tới sống trong quần thể.
- Mức độ xuất cư tăng cao khi quần thể đã cạn kiệt nguồn sống, nơi ở chật chội, sự cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể gay gắt.
VI. TĂNG TRƯỞNG CỦA QUẦN THỂ SINH VẬT
- Điều kiện môi trường thuận lợi: Tăng trưởng theo tiềm năng sinh học (đường cong tăng trưởng hình chữ J).
- Điều kiện môi trường không hoàn toàn thuận lợi: Tăng trưởng quần thể giảm (đường cong tăng trưởng hình chữ S).
VII. TĂNG TRƯỞNG CỦA QUẦN THỂ NGƯỜI
- Dân số thế giới tăng trưởng liên tục trong suốt quá trình phát triển lịch sử.
- Nguyên nhân: Do những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống con người ngày càng được cải thiện, mức độ tử vong giảm và tuổi thọ ngày càng được nâng cao.
- Hậu quả: Dân số tăng nhanh là nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng môi trường giảm sút, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.