13. Ảnh hưởng của môi trường lên sự biểu hiện của gen

I. MỐI QUAN HỆ GIỮA GEN VÀ TÍNH TRẠNG

Gen (ADN) → mARN → Prôtêin → Tính trạng

- Quá trình biểu hiện của gen qua nhiều bước nên có thể bị nhiều yếu tố môi trường bên trong cũng như bên ngoài chi phối.

II. SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA KIỂU GEN VÀ MÔI TRƯỜNG

1. Ví dụ

- Ở thỏ:

+ Tại vị trí đầu mút cơ thể (tai, bàn chân, đuôi, mõm) có lông màu đen.

+ Ở những vị trí khác lông trắng muốt.

2. Giải thích

- Tại các tế bào ở đầu mút cơ thể có nhiệt độ thấp hơn nên có khả năng tổng hợp được sắc tố mêlanin làm cho lông màu đen.

- Các vùng khác có nhiệt độ cao hơn không tổng hợp mêlanin nên lông màu trắng.

→ Làm giảm nhiệt độ thì vùng lông trắng sẽ chuyển sang màu đen.

3. Kết luận

- Môi trường có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện của kiểu gen.

III. MỨC PHẢN ỨNG CỦA KIỂU GEN

1. Khái niệm

- Tập hợp các kiểu hình của cùng 1 kiểu gen tương ứng với các môi trường khác nhau gọi là mức phản ứng của 1 kiểu gen.

Kiểu gen + Môi trường → Kiểu hình

- Không có một gen hoạt động riêng rẽ mà hoạt động trong tế bào và tác động qua lại với nhau, với môi trường.

Ví dụ: Con tắc kè hoa:

+ Trên lá cây: da có hoa văn màu xanh của lá cây

+ Trên đá: màu hoa rêu của đá

+ Trên thân cây: da màu hoa nâu

2. Đặc điểm

- Có 2 loại mức phản ứng:

+ Mức phản ứng rộng: thường là những tính trạng về số lượng (tính trạng đa gen) như năng suất, khối lượng, tốc độ sinh trưởng, sản lượng trứng và sữa…

+ Mức phản ứng hẹp: là những tính trạng chất lượng.

- Sinh vật càng có mức phản ứng rộng càng thích nghi rộng với môi trường, khả năng phân bố rộng; ngược lại, sinh vật càng có mức phản ứng hẹp càng kém thích nghi.

3. Phương pháp xác định mức phản ứng

- Để xác định mức phản ứng của 1 kiểu gen cần phải tạo ra các cá thể sinh vật có cùng 1 kiểu gen. Đưa vào các môi trường khác nhau để nghiên cứu đặc điểm biểu hiện (mức phản ứng gen với môi trường) của tính trạng trong các môi trường.

- Thường dễ áp dụng với thực vật, vi sinh vật. Ví dụ, với cây sinh sản sinh dưỡng, có thể xác định mức phản ứng bằng cách cắt đồng loạt cành của cùng 1 cây đem trồng và theo dõi đặc điểm của chúng.

- Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu mức phản ứng: Tìm được kiểu hình mong muốn từ kiểu gen, có biện pháp chăm sóc thích hợp.

- Kết luận:

+ Giống tốt và kĩ thuật tốt sẽ năng suất cao.

+ Tùy vào điều kiện giống và môi trường có thể tiến hành cải tiến giống hay môi trường để cho năng suất cao.

4. Sự mềm dẻo về kiểu hình

- Khái niệm: Hiện tượng một kiểu gen có thể thay đổi kiểu hình trước những điều kiện môi trường khác nhau được gọi là sự mềm dẻo kiểu hình (thường biến).

- Đặc điểm:

+ Mức độ mềm dẻo của kiểu hình phụ thuộc vào kiểu gen.

+ Mỗi kiểu gen chỉ có thể điều chỉnh kiểu hình của mình trong một phạm vi nhất định.

- Ý nghĩa: Sự mềm dẻo kiểu hình giúp sinh vật thích nghi với những thay đổi của môi trường (do sự tự điều chỉnh về sinh lí giúp sinh vật thích nghi với môi trường).