VĂN BẢN. ĐẤU TRANH CHO MỘT THẾ GIỚI HÒA BÌNH
1. Hệ thống luận điểm, luận cứ của văn bản
- Luận điểm: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe dọa loài người và sự sống trên trái đất, vì vậy đấu tranh cho hòa bình, ngăn chặn và xóa bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân là nhiệm vụ cấp bách.
- Hệ thống luận cứ:
+ Số lượng vũ khí hạt nhân đang được tàng trữ có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt Trời, cộng thêm bốn hành tinh khác nữa và phá hủy thế thăng bằng của hệ Mặt Trời.
+ Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân làm mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn của toàn thế giới. Dẫn chứng: So sánh giữa chi phí cho các lĩnh vực xã hội, cứu trợ y tế, hỗ trợ phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, giáo dục… với chi phí khổng lồ cho việc chạy đua vũ trang, vũ khí hạt nhân từ đó chứng tỏ tính chất điên cuồng, phi lí của các hoạt động này.
+ Chạy đua vũ trang không những đi ngược lại lí trí của loài người mà còn đi ngược với quy luật tiến hóa của tự nhiên, phi văn minh, phản lại sự tiến bộ của xã hội loài người.
+ Vì vậy phải chống lại chạy đua vũ trang, đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng.
2. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe doạ loài người và toàn bộ sự sống trên Trái Đất:
- Thời điểm cụ thể của thông tin: Ngày 8/8/1986.
- Số liệu cụ thể về trữ lượng đầu đạn hạt nhân: 50 000 đầu đạn hạt nhân trên khắp hành tinh.
- Khả năng hủy diệt: Mỗi người như đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ, có khả năng hủy diệt 12 lần toàn bộ sự sống trên Trái Đất, có khả năng tàn phá tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt Trời, cộng thêm bốn hành tinh khác nữa và phá hủy thế thăng bằng của hệ Mặt Trời.
Tác giả sử dụng phương pháp nêu số liệu, giải thích dựa trên những tính toán lí thuyết khoa học, chính xác, cụ thể hóa để thuyết minh về nguy cơ của vũ khí hạt nhân.
3. Bằng lập luận chặt chẽ, chứng cứ rõ ràng, xác thực, tác giả đã chỉ ra sự tốn kém và tính chất phi lí của chạy đua vũ trang:
- Lí lẽ: “Chỉ sự tồn tại của nó không thôi, cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết cũng đã làm tất cả chúng ta mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn”.
+ Dẫn chứng về chương trình không thực hiện được của UNICEF vì thiếu kinh phí.
+ Dẫn chứng về y tế.
+ Dẫn chứng về tiếp tế thực phẩm.
+ Dẫn chứng về giáo dục.
- Trong mỗi dẫn chứng, tác giả so sánh cụ thể làm nổi bật tính phi lí của chạy đua vũ trang. Những số liệu cụ thể trong mỗi sự so sánh tự nó có sức thuyết phục mạnh mẽ.
4. Mác-két đã cảnh báo về nguy cơ hủy diệt sự sống và nền văn minh một khi chiến tranh hạt nhân xảy ra.
- Chiến tranh hạt nhân không những đi ngược lại lí trí con người mà đi ngược lại cả lí trí tự nhiên.
- Có thể hiểu “lí trí con người” là quy luật phát triển của văn minh loài người và “lí trí tự nhiên” là quy luật tiến hóa tất yếu của tự nhiên, sự sống.
- Chiến tranh hạt nhân xảy ra sẽ phá hủy, xóa sạch những thành quả tiến hóa của văn minh loài người, tiến trình tiến hóa của sự sống, tự nhiên trên Trái Đất.
- Luận cứ cảnh báo được làm sáng tỏ bằng những chứng cứ với số liệu cụ thể về thời gian tiến hóa của sự sống con người và tự nhiên trong thế đối sánh với sức tàn phá của chiến tranh hạt nhân.
5. Nhan đề Đấu tranh cho một thế giới hoà bình thể hiện chủ đề của bài văn.
- Lời kêu gọi đấu tranh cho một thế giới hòa bình được rút ra sau những luận cứ rõ ràng, là luận điểm kết luận của toàn bộ lập luận mà tác giả đã xây dựng rất thuyết phục.
- Muốn ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, phải xác định thái độ, hành động tích cực, đấu tranh cho hòa bình vì sự sống của chính con người. Thông điệp này của Mác-két mang ý nghĩa thời đại, có tính nhân văn sâu sắc.